Đinh Hoài Xuân đem bảo vật thế giới 20 triệu USD lên sân khấu Hà Nội
Cello Fundamento là chuỗi hòa nhạc quốc tế do Đinh Hoài Xuân sáng lập năm 2016 với mong muốn lan tỏa âm nhạc cổ điển rộng rãi đến công chúng Việt Nam.
Với chủ đề Après un rêve (tiếng Pháp nghĩa là Sau một giấc mơ), Cello Fundamento 7 (CF7) được kỳ vọng là một cuộc khám phá những chân trời xa xôi, biến những “giấc mộng viễn dương” thành sự thật…
Đinh Hoài Xuân và Cello Fundamento được xem là cầu nối âm nhạc giữa Rumani và Việt Nam
Được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Rumani và Đại sứ quán Pháp, Après un rêve có sự tham dự của các nghệ sĩ danh tiếng đến từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Rumani. Đây cũng là sự kiện nghệ thuật đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Ngày diễn ra chương trình 1/12 cũng là ngày kỷ niệm 105 năm Quốc khánh Rumani. Toàn bộ lợi nhuận của CF7 dành để trao học bổng cho các tài năng âm nhạc trẻ và sử dụng cho những dự án âm nhạc vì cộng đồng của tổ chức Cello Fundamento.
Một trong những điểm nhấn của chương trình là sự xuất hiện của nhóm hòa tấu thính phòng Enescu Project String Octet đến từ Pháp do nghệ sĩ violin Nicolas Dautricourt thành lập. Anh cũng chính là người đang được gửi gắm chiếc violon Stradivarius trị giá ước tính 20 triệu USD (gần 500 tỷ đồng).
Nó nằm trong danh sách 12 cây đàn vĩ cầm đắt nhất mọi thời đại, do Antonio Stradivarius - nhà chế tạo nhạc cụ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại - thiết kế vào thời hoàng kim 1713.
Cây đàn mà Nicolas Dautricourt (ảnh) đang sử dụng có tuổi đời 310 năm, được làm từ gỗ vân sam nghìn năm tuổi mọc ở thung lũng Fiemme miền bắc nước Italia với những đường nét tinh xảo tạo nên những âm thanh mềm mại, ngọt ngào chạm đến cảm xúc sâu nhất của người nghe
Chương trình tuyển chọn những tác phẩm đặc sắc, có tính nghệ thuật cao đồng thời cũng rất dễ tiếp nhận đối với đông đảo người nghe. Có thể kể đến: Libertango của Astor Piazzolla, Mov.1 trong Concerto số 4 cho violin (Mùa đông) của Antonio Vivaldi chuyển soạn lại hoàn toàn cho cello và dàn dây, Etudes số 6 viết cho piano của Franz Liszt - nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano người Hungary, hay Après un rêve (Sau một giấc mơ) của Gabriel Fauré…
Đáng lưu ý là sự xuất hiện của tác phẩm Octet cho dàn dây giọng Đô trưởng Opus số 7 của nhà soạn nhạc người Rumani George Enescu (1881-1955), người được ví như "hiện tượng âm nhạc vĩ đại nhất kể từ Mozart". Enescu có thể được coi như người sáng lập ra nền âm nhạc Rumani.
Chương trình cũng bao gồm tác phẩm Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được Mariano Castro chuyển soạn dành cho song tấu cello với phần đệm của piano và dàn nhạc.
Đã thành thông lệ, mỗi số Cello Fundamento sẽ được khép lại bằng một màn trình diễn dân ca chuyển soạn cho dàn nhạc. CF7 sẽ gửi tới khán giả một liên khúc dân ca của Rumani, Pháp và Việt Nam. Đây là bước đi khá táo bạo vì các mùa trước, chương trình mới chỉ thể hiện dân ca của Việt Nam.
Ngoài nhân vật chính là nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, chương trình còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ khách mời như nghệ sĩ cello Bùi Hà Miên (giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang (đang biểu diễn và giảng dạy ở Australia), nhạc trưởng Nguyễn Phú Sơn (du học Đức), cùng các nghệ sĩ Khương Hiệp Hà (piano), Ngô Toàn Thắng (contrabass), tứ tấu Vietnam Accordion Quartet, các nghệ sĩ cello Lương Thu Trà, Đào Tuyết Trinh, Đỗ Pha Lê của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam.